Vợ Ba: Chuyện diễn viên nhí 13 tuổi đóng cảnh nóng và quan niệm về phim nghệ thuật của người Việt
Ra rạp chưa bao lâu, phim Việt đoạt nhiều giải thưởng quốc tế Vợ Ba lại vướng phải nhiều rào cản trên chính quê hương mình, bắt nguồn từ việc để diễn viên nhí Trà My mới 13 tuổi đóng cảnh nóng cùng những ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề này.
Vừa qua, sau khi nhận được những phản ứng gay gắt về việc để diễn viên nhí mới 13 tuổi đóng cảnh nóng trong phim Vợ Ba (The Third Wife), nhà sản xuất của bộ phim đã xin ngừng chiếu phim chỉ sau ba ngày công chiếu chính thức. Nhìn chung, xoay quanh vấn đề này có rất nhiều ý kiến trái chiều được đặt ra, song câu chuyện cốt lõi vẫn là tư duy và quan niệm của mỗi người về phim nghệ thuật và cảnh nóng trong đó.
Chúng ta hẳn chưa quên những bộ phim chứa đầy cảnh nóng nhạy cảm trên màn ảnh từ phương Tây đến phương Đông: series Fifty Shades, Lolita hay A Muse,... Và bây giờ, người Việt có Vợ Ba. Mỗi bộ phim mang đến cho người xem những giá trị riêng, tuỳ vào hệ tư tưởng mà họ dùng để nhìn nhận và soi xét tác phẩm. Khán giả đến rạp xem phim có nhiều bộ phận, có người là trí thức, có người là chuyên gia, cũng có người chỉ xem cảnh nóng và cũng có những người đến xem, chỉ để xem. Vì vậy, cách nhìn nhận vấn đề và cả yếu tố nghệ thuật trong phim dưới con mắt từng đối tượng chắc chắc tồn tại nhiều sai khác.
Họ lên án vì cảnh nóng, họ bất bình trước việc để diễn viên 13 tuổi đóng cảnh nhạy cảm, vậy giá trị cốt lõi của Vợ Ba đã ở đâu khi trên khắp các mặt báo chỉ toàn thông tin về cô bé diễn viên Trà My và hàng loạt cảnh nhạy cảm trong phim? Ai là người đã góp phần làm lãng quên giá trị tác phẩm khi chính truyền thông lại góp phần "giúp một tay" đẩy keyword "diễn viên 13 tuổi đóng cảnh nóng" trở thành tiêu điểm?
Công bằng nhìn nhận, Vợ Ba là một phim điện ảnh chân thật, chân thật đến trần trụi khi đã từng bước cởi bỏ những vẻ đẹp hào nhoáng của thời phong kiến, để lộ ra số phận cùng cực của người phụ nữ trong xã hội. Không có tiếng nói, không được định đoạt số phận đời mình, hoặc là chấp nhận cam chịu, hoặc tự mình giải thoát. Và có lẽ lối thoát khi cùng đường của họ chỉ là con đường chết.
Chúng ta đã có một câu chuyện được kể bằng hình ảnh nhiều hơn lời thoại, không cần dùng đến ngôn từ tần suất cao như các bộ phim khác, Vợ Ba tận dụng nó như một cú chốt hạ sau hàng loạt hành động của các diễn viên. Câu thoại hàm súc, nhưng chắc và đắt giá. Rồi hãy nhìn xem, truyền thông nước nhà đã làm gì với chính sản phẩm được sinh ra từ chất liệu quê hương?
"Đứa con" ấy từ đấu trường quốc tế làm rạng danh nơi đã đắp bồi nên mình, xứ cờ hoa công nhận và nâng niu nó bằng những mỹ từ có cánh, song đến cuối cùng, Vợ Ba lại "gục ngã" ở chính nơi nó thuộc về. Chúng ta đồng nhất khái niệm và nâng tầm vấn đề của một bộ phim thành vấn đề xã hội mà không đặt để yếu tố thời đại vào tác phẩm để nhìn nhận dưới cái nhìn thực sự khách quan. Điều đáng buồn chính là những người cầm bút tự cho mình chức năng định hướng công chúng lại đi tiên phong trong việc làm này và tự bào chữa, cho rằng phương Tây họ có cái nhìn thoáng hơn. Nhưng hãy bình tĩnh lại, họ thoáng nhưng việc kết hôn và sinh con ở lứa tuổi 13, 15 lại xuất hiện trên chính đất nước này nhiều chục năm trước vào thời phong kiến và trên thực tế vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay trong cộng động một số dân tộc ít người. Vậy là người phương Tây thoáng hay chúng ta mãi cố chấp và ngại nhận mình sai?
Việc tham gia vào bộ phim cũng như đóng các cảnh nóng là sự thoả thuận song phương. Sự chỉ trích đạo diễn, người nhà diễn viên hay chính diễn viên cũng là việc làm không cần thiết khi những cảnh nhạy cảm đều có giá trị của nó.
Nếu không có những phân cảnh như thế, làm sao ta hiểu được vấn đề trinh tiết của người phụ nữ là câu chuyện to lớn đến nhường nào nhưng họ lại không có quyền được chọn ai sẽ là người đầu tiên của đời mình? Làm sao tưởng tượng ra người đàn ông năm thê bảy thiếp chỉ đặt mình là trung tâm trong chuyện gối chăn mà mặc nhiên chẳng mảy may đến người phụ nữ bên cạnh? Lấy chồng, chồng không hứng thú ái ân, không chịu động phòng thì trăm ngàn tội lỗi cũng thuộc về người vợ? Để rồi cô gái bị xem như niềm xấu hổ của gia đình, bị ruồng rẫy đến mức phải tự giải thoát chính mình? Và mãi mãi chúng ta - những con người ở thế kỉ này cũng không thể cảm nhận được số phận người đàn bà trong xã hội cũ thê lương đến nhường nào, nếu không có Vợ Ba.
Phim đã ngừng chiếu, câu chuyện về cô bé Trà My cũng nên khép lại nhưng những suy nghĩ thiển cận về nghệ thuật đã thâm căn cố đế trong tiềm thức một bộ phận người sẽ vẫn còn đó. Chúng ta tiếc cho một tác phẩm phải tự giải thoát mình khỏi nơi nó sinh ra và vốn thuộc về để rồi những giá trị trong đó tuy không mất đi nhưng phần nào đã không hề được xem trọng.
Yin Li
Bài cùng chuyên mục